Về quê (Tập 2)

Những cảm xúc mâu thuẫn

Mình vừa trở lại Sài Gòn sau hơn một tuần về quê bên gia đình.

Vốn chỉ định về vài ngày rồi quay lại nhưng mình bị ốm sốt và phải huỷ chuyến bay để ở nhà. Nói về chuyện bị ốm khi xa nhà, chỉ có một mình, đó là nỗi niềm chẳng phải của riêng ai.

Đã không ít lần mình bị ốm, nằm một mình trong căn phòng trọ nhỏ, mệt chẳng nhích nổi cái cơ thể rệu rã nhưng vẫn phải dậy tìm cách nấu cháo, đặt đồ ăn vì không làm thì chẳng ai làm cho. Rồi lúc đó mình chỉ ước gì được về nhà, có bố mẹ chăm như hồi bé, có các anh chị và cô Thuận sang thăm và trò chuyện, mình vẫn luôn khát khao yêu thương và chăm sóc, như một đứa trẻ mãi không chịu lớn, và khi ốm là khi mình cho bản thân được làm điều đó dễ dàng nhất. Rồi mọi chuyện cũng qua đi, mình lại lao vào cái nhịp sống hối hả và “một mình” của những người trẻ mà quên đi cái “khát khao” cháy bỏng lúc bị ốm kia.

Lần này bị ốm, mình được ở cạnh bố mẹ (một cách tình cờ) và nhiều người nói đó là sự may mắn, vì ở cùng bố mẹ mình thì chẳng lo gì nữa. Ăn uống có mẹ lo, thuốc thang có mẹ lo, mệt mỏi có thể kêu mẹ gọi bố, lười biếng một chút, uể oải một chút thì mọi thứ vẫn đầy đủ và sẵn sàng. Đáng lẽ mình nên thoải mái vô tư mà tận hưởng những điều đó chứ nhỉ? Nhưng có lẽ là không.

Mình cảm thấy bản thân đã lớn hơn so với sự chăm sóc có lẽ sẽ chẳng bao giờ thay đổi của những người cha mẹ dành cho con của mình. Mẹ ngủ cùng mình nên bị mất giấc, đêm cũng tỉnh dậy theo những cơn sốt và sự khó chịu của mình, trong khi mẹ cần lắm một giấc ngủ ngon về đêm, mình không an tâm về chuyện đó. Bố thỉnh thoảng lại lướt qua căn phòng thấy mình nằm ườn co rúm vì ớn lạnh, lại thêm phần lo lắng về cảnh tương tự diễn ra ở Sài Gòn khi mình một mình. Vì một lí do nào đó, mình không muốn bố mẹ nhìn thấy mình như vậy, mình chỉ muốn bố mẹ thấy mình vui và mạnh mẽ dẫu biết ốm đau là chuyện thường tình, con người ai chẳng có lúc ốm.

Mình cũng chẳng biết suy nghĩ như thế là đúng hay sai, trái tim mình tự nói hãy nuông chiều cảm xúc của bản thân, đón nhận yêu thương từ gia đình (bố mẹ) một cách tự nhiên nhưng phần lí trí lại nhắc nhở mình “Giang à, mày không còn bé nữa, hãy tự biết lo cho cảm xúc và cơ thể của chính mình, đừng để bố mẹ phải lo lắng như vậy”. Thực ra giải thích điều này khó vô cùng, phân định chúng cũng là điều không cần thiết. Bố mẹ nào chẳng lo cho con, dẫu lớn dẫu nhỏ thì vẫn thế. Bà ngoại mình 105 tuổi vẫn không ngừng nhắc tên bác mình năm nay đã 70 tuổi và hỏi xem khi nào bác về khi biết bác nhập viện vì ốm.

Mình không thể ngăn điều đó, mình không thể năn nỉ hay yêu cầu mọi người “đừng lo lắng cho con nữa” vì điều đó vốn dĩ là không thể. Nhưng nguồn cơn cho mọi sự lo lắng và phân vân trong lòng mình có lẽ là xuất phát từ chính mình, mình không cho rằng “bố mẹ lo lắng cho mình” là điều bình thường, trong khi đó đúng là một điều bình thường.

“Lo lắng” khác với “muộn phiền”

Mình ngồi xuống và suy nghĩ về một tuần vừa qua, phải chăng mình đang có sự nhầm lẫn giữa “lo lắng” và “muộn phiền”?

Theo mình hiểu thế này, “lo lắng” là cách nói ngắn gọn và đơn giản cho việc “suy nghĩ về một điều gì đó” và “đặt nhiều câu hỏi” mà không có lời giải thường được chúng ta hiểu theo nghĩa cảm xúc tiêu cực. Ví dụ đối với trường hợp sự “lo lắng” của bố mẹ dành cho con cái có thể diễn giải ra là “bố mẹ luôn nghĩ về con, không biết con ăn uống thế nào, công việc có thuận lợi hay vất vả lắm không” – điều có thể coi là bản năng của người làm cha mẹ.

Mẹ mình hay nói “lo gì, mẹ chả lo gì” mỗi khi mình nói mẹ “không phải lo cho con đâu”. Mình luôn không tin câu trả lời đó là thật, nhưng mình lại luôn muốn đưa ra yêu cầu “bất khả khi” kia của mình dành cho mẹ. Nhưng nếu mẹ nói “buồn (muộn phiền) gì, mẹ chẳng buồn (muộn phiền) con gì” thì chắc mình sẽ tin đó. Mình cũng không có ý định nói mẹ “đừng muộn phiền con” vì mình tin là mình chưa từng gây điều đó cho mẹ.

Để cắt nghĩa được “muộn phiền là gì”, đặc biệt là muộn phiền với gia đình, cha mẹ, chắc phải viết một chuỗi bài viết cũng không hết. Ranh giới giữa muộn phiền với lo lắng có lẽ cũng không rạch ròi đến thế, nhưng mình tin là bất kể người con nào cũng có thể cảm nhận được ranh giới đó mà không nhất thiết phải gọi tên nó ra.

Cha mẹ thương con, con thương cha mẹ, đi rồi trở về, lo lắng, trông ngóng rồi vỡ oà hạnh phúc, hãy cứ để nó diễn ra như một điều tự nhiên vô cùng xinh đẹp và ý nghĩa.

Sống cuộc đời tự do và hạnh phúc của chính mình cũng là yêu thương nhau rất nhiều

Nhìn vào những đứa trẻ, thường mình thấy tình yêu từ cha mẹ rộng lớn và sâu sắc hơn nhiều lần. Hiển nhiên vì khi đứa trẻ còn nhỏ, chúng sống với những bản năng tự nhiên nhất, chúng tự do thể hiện cảm xúc và tự do tận hưởng sự yêu thương, chiều chuộng từ cha mẹ mình. Lớn dần lên, con cái hiểu được những giá trị của cuộc sống, biết ơn và trân trọng những điều tốt đẹp đến với mình, một trong những điều tuyệt nhất chính là cha mẹ. Lúc này thái cực tình yêu cân bằng dần, những đứa con bắt đầu muốn thể hiện tình yêu và trách nhiệm với cha mẹ mình.

Đã nhiều khi mình bị cuốn vào vòng xoáy suy nghĩ phải làm gì cho bố mẹ, phải tạo ra cái này, cái kia, phải làm được việc này, việc kia, mình sống trong trạng thái “có trách nhiệm” với bố mẹ mà quên mất “trách nhiệm với cuộc đời mình” – cuộc đời mà đối với bố mẹ, là điều quý giá vô cùng. Về phía bố mẹ mình, bố mẹ vẫn luôn “sống vì con cháu” như một lẽ thường mà quên đi tận hưởng cuộc sống của chính mình, điều khiến mình “lo lắng” và có chút xót xa khi nghĩ về. Nhưng thực chất đối với bố mẹ, đó lại là điều vô cùng bình thường.

Đó là một vòng tròn khép kín và nó sẽ luôn như vậy, vì chúng ta mỗi người một thế giới quan khác nhau, và vì chúng ta là người thân. Nhưng có một điều mà bất kì ai trong chúng ta cũng nên cố gắng để yêu thương nhau, đó là “sống cuộc đời tự do và hạnh phúc” của chính mình. Có vậy, thì ta mới không muộn phiền.

Mỗi lần về quê rồi quay lại Sài Gòn, mình nhớ nhà nhiều lắm. Nhưng cũng nhờ mỗi lần như vậy mà mình rõ tỏ hơn về hành trình lấp lánh phía trước của bản thân.

Lâu rồi, bạn đã về quê chưa?

Thân thương,

Giangbrave

Leave a Reply