Đọc sách Yêu những điều không hoàn hảo (Tác giả: Hae Min) cùng mình

“Làm sao để chấp nhận chính mình trong một thế giới tuyệt vọng phấn đấu cho sự hoàn hảo” – Câu hỏi đã khiến mình lật mở những trang sách đầu tiên và rồi đọc không ngừng cho tới trang sách cuối cùng, cùng với đó là những bài học vừa sâu sắc nhưng cũng thật gần với nhiều người trong số chúng ta.

Hãy bắt đầu bằng việc “Yêu bản thân” mỗi ngày – Điều không hoàn hảo hoàn hảo nhất. 

Theo nhà sư Hae Min, chỉ cần bạn tồn tại trên thế gian này thôi, điều đó cũng đủ để khiến chúng ta trở nên quan trọng và xứng đáng có được tình yêu thương rồi. Cho đến khi bạn nhận ra điều này từ cuốn sách, có lẽ bạn đã trải qua nhiều khoảnh khắc và câu chuyện như vậy trong quá khứ, chỉ là bạn không nhận ra mà thôi. mình cũng vậy, chúng ta không một mình trong thế giới của những người không hoàn hảo. 

Mình đã từng nghĩ bản thân cần đạt được nhiều thành tích, kiếm được nhiều tiền, trở nên xinh đẹp để bố mẹ an tâm vui lòng, cho đến khi mình bị ốm, một mình nơi đất khách quê người, và nhận ra còn điều gì tuyệt vời hơn đối với bố mẹ khi mình là một đứa trẻ khoẻ mạnh, ở đó, luôn vui cười dù cho có học hành bình thường, chưa kiếm được nhiều tiền, luôn thấy tự tin và hạnh phúc với những gì mình có.

Mình đã từng nghĩ nếu mình dành thật nhiều tình yêu thương cho người khác, hết mình và thậm chí là chấp nhận chịu thiệt thòi vì một ai đó thì bản thân sẽ trở nên hạnh phúc vì được nhiều người yêu quý, cho đến khi nghe những câu chuyện tình dang dở, quá vì đối phương mà quên mất yêu thương và chăm sóc chính mình, những cơ hội việc làm và các một quan hệ vụt mất vì tập trung quá nhiều vào người khác mà để bản sắc cá nhân bị chi phối nhiều phần. 

Có lẽ ranh giới giữa “yêu bản thân” và “ích kỉ” khiến nhiều người nhầm tưởng những việc họ nên và không nên làm để có được tình yêu thương thực sự từ mọi người. Nhưng hãy nhớ rằng “Chỉ cần bạn tồn tại là đã đủ rồi” – Đại đức Hae Min. 

“Khi đến Ấn Độ bạn sẽ thấy người ta chào nhau bằng câu “Namaste”

Thật ra “Namaste” là một câu nói có ý nghĩa rất đẹp và sâu sắc 

“Điều thiêng liêng bên trong mình xin được cúi chào điều thiêng liêng bên trong bạn” 

(Trang 31, Yêu những điều không hoàn hảo)

“Những mối quan hệ” thật sự cần cả chữ duyên và nhiều sự cố gắng 

Có bao giờ bạn từng nghe “Con đến với bố mẹ là cái duyên, là trời cho”, rồi khi nhận ra “bố mẹ đã cố gắng rất nhiều để có con và sinh ra con khoẻ mạnh trên đời này”, bạn lại cảm thấy biết ơn và khắc khoải đến nhường nào?

Có bao giờ bạn từng nghĩ “Cậu bạn thân từ thuở ấu thơ vì sao đến năm hai mươi tuổi vẫn hết lòng vì bạn?”

Có bao giờ bạn từng hỏi người sếp nhiều năm của bạn rằng “Tại sao chúng ta có thể cùng nhau đi một đoạn đường xa đến vậy?”

Chúng ta cảm ơn cái duyên đã cho chúng ta gặp nhau, nhưng sự kết nối thực sự lại đến từ nỗ lực của cả hai bên, sự lắng nghe, thấu hiểu, bao dung và những cách giải quyết vô cùng lí trí đối với thứ cảm xúc mang tên “phật lòng” – một định nghĩa cảm xúc vô cùng phổ biến đối với văn hoá châu Á nói chung. 

Những vấn đề trong cuộc sống bao giờ cũng có nguồn gốc từ cả hai phía, mình cho rằng đó là thiếu sót của bạn nhưng nếu kì vọng của mình dành cho bạn không cao đến thế, liệu thực sự đó có phải là thiếu sót của bạn hay không. Càng những người có ý nghĩa trong cuộc đời chúng ta, chúng ta lại càng kì vọng hay nhẹ nhàng hơn là hy vọng nhiều về họ. Nhìn lại chính mình bao giờ cũng là điều cần thiết để những mối quan hệ bạn trân trọng được gìn giữ lâu bền. Cái tôi của bạn có lẽ khi đó đã trưởng thành hơn rất nhiều. 

Tác giả viết “dù là vì lí do gì đi nữa, đừng chỉ trách đối phương sao không chịu hiểu lòng mình, mà hãy trực tiếp trò chuyện với họ để giải toả cảm xúc này”. Giao tiếp giúp mình hiểu người và mình hiểu mình một cách dễ dàng hơn. 

“Đôi khi bạn có ấn tượng đầu tiên tốt về người nào đó

Nhưng chưa được bao lâu thì mối quan hệ giữa bạn và người đó nhanh chóng trở nên xấu đi.

Đó là vì khi mới gặp, bạn đã không nhìn người đó như chính con người thật của họ

Mà chỉ nhìn thấy sự kì vọng và tưởng tượng của mình đắp lên họ và thôi”

(Trang 60, Yêu những điều không hoàn hảo)

“Sự đồng cảm” và sức mạnh của việc lắng nghe một ai đó. 

Mình là một đứa nói khá nhiều, cũng là đứa nói nhiều nhất trong gia đình nên bố mẹ và anh chị mình thường gọi mình là “Lắm chuyện” một cách trêu đùa và thân mật. 

Sau này khi đi ra xã hội, mình lại cảm thấy mình là đứa ít nói, không rôm rả và “lắm chuyện” như ở nhà. Một phần vì không đủ tự tin với bản thân, nhưng phần lớn có lẽ là do mình lắng nghe chưa đủ nhiều, cảm nhận chưa đủ sâu sắc. Thực chất việc bạn lắng nghe không chỉ là chia sẻ mà còn là gom nhặt những câu chuyện, kiến thức, kho tàng kinh nghiệm sống, xây dựng cảm xúc cho một tâm hồn giàu có, khi đó chắc hẳn bạn sẽ có nhiều thứ hơn để nói với những người cần nghe. 

Sự đồng cảm đôi khi chỉ cần lắng nghe, chỉ cần một cái nắm tay, một cái ôm là đủ. Bạn thử nghĩ mà xem, có phải mỗi khi buồn tủi thất vọng, chúng ta thường cố gắng lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của chính mình? Lắng nghe và thấu hiểu nỗi niềm và cảm xúc của người khác, người ta gọi đó là đồng cảm, phải không? 

“Chữa lành nỗi đau của một ai đó

Thực ra không phải là ra tay giải quyết các vấn đề cho họ

Khi ta khiến đối phương nhận thấy rằng ta cũng từng có nỗi đau tương tự,

Và mở lòng lắng nghe, đồng cảm với họ

Đối phương sẽ được tiếp thêm dũng khí và tự chữa lành bản thân mà không cần bất kì câu trả lời rõ ràng nào khác” 

(Trang 115, Yêu những điều không hoàn hảo)

(còn tiếp)

Thân thương,

Giangbrave

Leave a Reply