Kể chuyện tập bơi và 4 bài học cuộc sống

Câu chuyện bắt đầu từ 5 năm về trước, khi mình chưa biết bơi nhưng quyết định đăng kí bộ môn bơi cho môn Thể chất 3 ở trường đại học vì thực sự muốn học bơi. Kết quả là mình đã biết bơi sau khoá học bơi kéo dài hơn một tháng. Mình đã rất tự hào và sung sướng vì biết bơi – điều mà trước đây mình chưa bao giờ nghĩ tới. Mình duy trì sở thích đó sau khoá học bằng những buổi đi bơi với bạn bè và anh chị (nhưng không quá thường xuyên).

Bẵng đi một thời gian, mình vẫn rất thích bơi nhưng không còn điều kiện để đi bơi nữa vì mình chuyển sang một môi trường khác để học tập và sinh sống, chi phí đắt đỏ để duy trì bơi đều đặn khiến mình xa dời bộ môn này phải đến ba năm.

Ba năm sau có dịp để đi bơi trở lại, niềm vui thích của mình dành cho bơi vẫn còn vẹn nguyên, đó là cảm giác hào hứng và vui sướng khi được nhảy xuống hồ bơi và vẫy vùng trong nước, cùng với sự tự tin là mình đã biết bơi. Những tưởng bơi là một kĩ năng mà đã học và biết thì sẽ nhớ mãi như mọi người vẫn nói, nhưng không, mình đã không còn bơi được nữa. Mình đã cố gắng tìm lại cảm giác bơi, nhưng càng tìm nó lại càng trốn.

Lần tiếp theo đi bơi, mình vẫn không chấp nhận việc mình không còn biết bơi. Mình thử xem các video dạy bơi và thực hành theo nhưng cũng không được, mình trở nên “e dè” nước sau nhiều lần cố bơi nhưng thất bại. Càng giữ suy nghĩ “không biết bơi” và “sợ nước” đó trong đầu, mình càng không thể làm gì hơn.

Vậy rồi lại bẵng đi một thời gian, lần này, trong một chuyến đi tới Đà Nẵng, mình đã chấp nhận xuống bể bơi với một sự thật là mình không biết bơi. Mình chơi đùa và thử ngụp lặn. Thực ra trong tiềm thức mình vẫn cố gắng bơi lại nhưng lần này mình thoải mái và vô tư hơn. Cộng với việc ghi nhớ và bắt chước những người xung quanh, tự nhiên mình lại bơi được vài mét. “Ô”, mình ô lên một tiếng vì không nghĩ là mình vừa bơi được vài mét :))) Rồi mình tiếp tục quan sát cơ thể và nhận ra nhiều điều vô lí trong lúc bơi khiến mình bị ngụp nước hoặc đuối sức. Rồi từ bơi được vài mét, mình lại bơi thêm được vài mét nữa. Dù vẫn chưa có được kĩ thuật bơi chuẩn chỉnh và bơi được đoạn đường dài nhưng giờ đây mình cảm thấy rất vui vẻ và tự tin.

Nhờ trải nghiệm tự học bơi lại từ đầu này, mình suy nghĩ tới bốn bài học cuộc sống sau đây muốn chia sẻ với các bạn.

Một là “dục tốc bất đạt”, ông bà ta nói không sai, càng nóng vội thì càng hỏng việc

Vì quá nóng lòng muốn chứng minh cho người bạn đồng hành của mình thấy là mình đã biết bơi, cộng thêm việc bản thân không chấp nhận sự thật mà mình cho là ngớ ngẩn này (sự thật là mình đã từng biết bơi và giờ thì quên mất), mình cố gắng bơi liên tục, đạp nước, quạt tay liên tục, kết quả là được vài giây thì thất bại.

Chưa kể đến chuyện vội vàng dẫn đến kết quả không mong muốn, sự vội vàng còn làm cho mình luống cuống không tìm ra cách xử lí, không biết nên làm gì, nên điều chỉnh chỗ nào để cải thiện hoặc thay đổi thực tế.

Ngẫm lại việc bơi lội, mình tìm thấy bài học tương tự về sự nóng vội trong nhiều vấn đề khác của cuộc sống. Chẳng hạn như khi làm kinh doanh, mình càng nôn nóng bán hàng thì lại càng không biết cách trả lời câu hỏi “Tại sao khách hàng không đến với mình”, trong các mối quan hệ, mình vội vàng đánh giá thì sẽ chẳng bao giờ biết cảm thông, trong viết lách mình càng muốn viết nhanh viết nhiều thì càng thiếu sự thấu đáo, trong đầu tư, mình hấp tấp thì có thể mất trắng như chơi.

Làm gì cũng vậy, cũng cần phải có quá trình, từ từ nhìn nhận quá trình sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp và cách thức thực hiện thông minh và hiệu quả hơn.

Hai là, tập trung quan sát cơ thể/cảm xúc của chính mình sẽ giúp bạn có được sự tiến bộ vượt bậc

Hay nói cách khác là hiểu cơ thể và cảm xúc của chính mình – biết chúng đang ở trong trạng thái như thế nào, tại sao lại như thế và có thể làm gì khác được không – điều này giúp chúng ta có được sự minh mẫn và bình tĩnh để cải thiện những trải nghiệm của bản thân.

Ví dụ trong các bộ môn thể chất, như bơi hoặc yoga, khi bạn quan sát hơi thở, các bắp cơ, tư thế của cơ thể, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh các động tác sao cho phù hợp. Giả sử nếu bạn chỉ tập trung vào người giáo viên hướng dẫn, hoặc ý nghĩ “làm thế nào cho đúng”, bạn sẽ khó “ngộ ra” những thay đổi của cơ thể, bởi không ai hiểu cơ thể mình bằng chính mình, phải không? Thực ra các bộ môn thể chất đều rất cần các yếu tố về cảm xúc và lí trí.

Lấy một ví dụ khác về cảm xúc, trong lúc chúng ta nóng giận, nếu bạn chậm lại một nhịp để nhận thức được cảm xúc nóng giận của bản thân, để nhìn nhận những điều đang diễn ra xung quanh, có ai cũng đang tức giận như bạn, có ai đang buồn không, bạn có đang làm tổn thương chính mình? Có lẽ sẽ tốt hơn cho bạn khi quyết định sẽ làm gì tiếp theo.

Tất nhiên đây là một loại năng lực rất khó, mình cũng đang học hỏi mỗi ngày để có được khả năng quan sát chính mình về cả thể chất lẫn tinh thần.

Thứ ba, hãy nhìn nhận mọi việc diễn ra một cách “bình thường” và quản lí sự kì vọng

Điều này đặc biệt có ý nghĩa cho những đứa “overthinking” như mình (hay nghĩ quá mọi chuyện). Có một câu nói khá nổi tiếng khiến mình liên tưởng tới khi viết về bài học này, đó là “thái độ quyết định cuộc đời”. Chúng ta nhìn sự vât, sự việc đơn giản bao nhiêu, bình thường bao nhiêu thì chúng ta có thể thực hiện nó dễ dàng bấy nhiêu.

Biết bơi rồi mà quên thì cũng là chuyện bình thường. Tuy vậy, nhìn nhận phải đi đôi với sự cố gắng, nếu không thì cũng dậm chân tại chỗ mà thôi!

Cuối cùng, mọi thành quả đều bắt nguồn từ những thói quen nhỏ.

Thói quen nghĩa là việc lặp đi lặp lại một điều gì đó theo chu kì thường xuyên, đều đặn. Giả sử như việc học bơi, nếu một ngày mình thuần thục kĩ năng đó và có thể bơi thật tốt, rồi mình lại bỏ ngang không duy trì bơi đều đặn, thì chắc chắn một ngày khác mình cũng sẽ lại quên một lần nữa.

Điều tương tự cũng xảy ra khi mình đã từng là một học sinh giỏi toán, sau nhiều năm không đụng đến toán, mình không còn nhớ gì nữa, hoặc là khi mình ấp úng và lúng túng nói tiếng Anh sau nhiều tháng không sử dụng ngôn ngữ này.

Vậy nên, nếu điều gì đó thực sự có ý nghĩa với bạn, hãy biến chúng thành thói quen nhé (Ví dụ như khả năng quan sát chính mình trong bài học số hai)

Theo mình thấy, thực ra mọi triết lí uyên bác nhất, mọi bài học sâu sắc nhất đều nằm trong những hoạt động của cuộc sống đời thường xung quanh chúng ta. Để ý một chút và dành thời gian suy ngẫm một chút, mình và bạn, chúng ta đều sẽ trở nên tốt hơn mỗi ngày!

Cảm ơn bạn đã đọc bài, hẹn gặp bạn trong các bài viết sau nhé!

Giangbrave

Leave a Reply