Vì sao bạn trì hoãn? (Phần 2)

bài viết phần 1, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về bản chất và nguyên nhân của sự trì hoãn cũng như hiểu được vấn đề trì hoãn của bản thân mình nằm ở đâu. Ở phần 2 này, mình muốn chia sẻ với mọi người về những giải pháp mà mình đã lựa chọn thực hành để chữa bệnh trì hoãn cho chính mình, vì mình tin rằng không ai khác ngoài chính chúng ta là người có thể vực dậy và kéo bản thân mình về phía trước. Hành trình đó có thể sẽ không ngắn, cũng có thể đó là hành trình dài suốt đời, việc duy nhất chúng ta cần làm ngay bây giờ là “bắt đầu thôi”.

Hãy kê đơn cho căn bệnh “trì hoãn” của chính mình

Dưới đây là một vài nguyên tắc và gợi ý hành động mình đã tìm hiểu và đúc kết lại để áp dụng cho chính mình. Mình phân ra là nguyên tắcgợi ý hành động vì theo mình có rất nhiều cách bạn có thể làm để cải thiện sự trì hoãn, nhưng nhìn chung chúng đều tuân theo những nguyên tắc nhất định. Để hiểu rõ hơn thì chúng ta hãy cùng tham khảo những gợi ý đến từ mình dưới đây nhé!

Nguyên tắc 1: Xây dựng niềm tin vào chính bản thân mình

Theo mình, như đã viết trong phần 1, niềm tin vào bản thân là điều quan trọng nhất khiến mình bắt đầu làm mọi thứ mà mình muốn làm cho dù đích đến có xa tới đâu. Mình cần phải có niềm tin rất lớn vào khả năng, kiến thức và bản lĩnh của chính mình. Niềm tin đó không phải ngày một ngày hai mà có được, cũng không phải cứ ngồi đó mà tin là được. Chúng ta cần hành động!

Nghe thì có vẻ hơi giống như một vòng luẩn quẩn, bởi vì chúng ta trì hoãn nên niềm tin mới giảm bớt dần, giờ lại xây dựng niềm tin nhờ vào việc hành động mà không trì hoãn, vậy mình đã làm gì?

1. Ai cũng có những thành tựu của riêng mình

Lời khuyên của mình là bạn hãy ngồi xuống và thử nghĩ về khoảng thời gian trưởng thành của mình. Bạn đã thật là tuyệt vời như thế nào? Bạn đã thích vẽ từ khi còn rất nhỏ và duy trì nó tới bây giờ, bạn đã từng đạt giải trong một kì thi nào đó hồi còn học tiểu học, bạn đã quyết tâm tập và biết đi xe đạp sau nhiều lần vấp ngã, bạn đã thi đỗ vào một trường cấp ba hay đại học sau nhiều năm cố gắng học hành, v.v..Ý mình là, ai cũng đã từng có những thành tựu của riêng mình.Điều đó có nghĩa là, bạn hoàn toàn có khả năng để làm mọi điều mình muốn. Chưa phải bây giờ không có nghĩa là không bao giờ. Đúng là việc kiếm được 10 triệu hay 100 triệu đầu tiên khó hơn nhiều so với việc biết đi xe đạp, nhưng bạn của bây giờ chẳng phải đã dạn dĩ, mạnh mẽ và thông minh hơn hồi đó rất nhiều rồi hay sao!Hãy công nhận năng lực của bản thân mình thông qua việc nhìn nhận vào người thật, việc thật dù là lớn hay nhỏ. Thử ngay xem sao nhé!

2. Hoàn thành một bước/ một chặng trên một hành trình cũng là cần được công nhận

Trước khi bắt đầu lập blog và viết những bài viết đầu tiên, mình đã tìm đọc khá nhiều nguồn tài liệu khác nhau về làm sao để viết tốt, học chỉnh sửa từng tí một để tạo thành một trang blog hoàn chỉnh, mình đọc tìm ý tưởng, tìm nguồn cảm hứng, xác định hướng đi…và cảm giác nó vẫn chưa thực sự đi tới đâu.Lúc đó mình chỉ nghĩ tới việc có những bài viết chất lượng được đăng trên một trang blog chỉnh chu, ấy mới là kết quả cuối cùng. Và vì chưa thấy được kết quả ấy, mình sinh ra nản chí, lười biếng và bắt đầu trì hoãn. Mình quên mất việc đi qua từng chặng đường nhỏ cũng là một sự hoàn thành đáng được công nhận.Đây cũng có thể coi là một hệ quả không tích cực của việc cầu toàn. Vì chúng ta luôn muốn cái gì đó trọn vẹn, luôn muốn đi tới kết quả cuối cùng mới có thể công nhận bản thân, điều đó vô tình đè lên ta một áp lực, khiến ta trùn bước và bắt đầu trì hoãn.

Hãy cố gắng xây dựng niềm tin vào bản thân bằng việc công nhận những sự hoàn thành nhỏ bé nhất!

Nguyên tắc 2: Tạo ra những “phần thưởng” cho bản thân ở tương lai gần

Thay vì phải đợi vài tháng, hoặc vài năm, hoặc nhiều năm để có được thành quả to lớn như bạn mong muốn (cũng là điều khiến bạn dễ dàng từ bỏ vì chán nản), hãy tự thưởng cho mình những phần thưởng trong tương lai gần hơn, có thể là ngay trong khi thực hiện công việc đó hoặc ngay ngày mai.

Một vài gợi ý hành động dành cho bạn:

1. Tự thưởng cho bản thân một lời khen khi hoàn thành một việc gì đó

Mình cũng không chắc là có nghiên cứu nào đằng sau phương pháp này hay không, nhưng nó hiện lên ngay trong đầu mình và mình viết nó ra đây. Hay nói cách khác, nó thực sự phát huy tác dụng với mình.Chúng ta thường tự trách mình hoặc tệ hơn là dằn vặt bản thân khi trì hoãn nhưng lại quên mất khi ta hoàn thành được một việc dù là rất nhỏ, chúng ta cũng xứng đáng với một lời khen, hay chính xác hơn là một lời động viên (bạn không nên hiểu nhầm ý mình là tự mãn hoặc thái độ hài lòng với bản thân mình quá sớm).

Mình thường hay tự động viên bản thân mỗi khi hoàn thành một việc gì đó dù lớn hay nhỏ bằng những câu như “Mày sẽ làm được thôi”, “Cố lên Giang, mày sẽ làm tốt mà” hay thỉnh thoảng lại tự cảm thán bản thân sau những phát hiện kì thú và bất ngờ như “Mình cũng thông mình phết đó chứ”, “Mình yêu mình quá đi”. Những câu nói đó tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại cực phát huy tác dụng, nó giúp mình tự củng cố niềm tin vào bản thân, giúp mình tạo ra những cảm xúc tích cực và duy trì năng lượng tích cực – điều mà chúng ta dễ dàng đánh mất khi ta trì hoãn (như đã nói ở trên)

2. Sử dụng chiến lược “Temptation bundling” (Tạm dịch là: Đóng gói cám dỗ)

Mình tìm thấy phương pháp này cũng từ bài viết trên trang của tác giả James Clear, nó là kết quả của bài nghiên cứu về Kinh tế học hành vi của Giáo sư Katy Milkman từ Đại học Pennsylvania, Hoa Kì. Theo đó, giải thích một cách đơn giản, mỗi khi cần làm một việc gì đó chỉ mang lại kết quả trong dài hạn, hãy cố gắng kết hợp nó cùng với một việc làm mang lại niềm vui và sự hưng phấn cho bạn trong ngắn hạn.Công thức cơ bản có thể được diễn giải như sau: Chỉ làm [điều bạn thích] trong khi [làm điều bạn đang cố trì hoãn]Ví dụ:

  • Chỉ nghe những bài hát mình yêu thích nhất khi tập gym
  • Chỉ uống thứ đồ uống mà mình thích nhất khi viết blog

Nghe thì có vẻ hàn lâm, nhưng thực chất phương pháp này khá quen thuộc đối với chúng ta, bạn có từng áp dụng trong công việc hàng ngày của mình chưa?

Nguyên tắc 3: Làm cho việc thực hiện công việc trở nên dễ dàng hơn

1. Đặt những mục tiêu cụ thể, chia nhỏ mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ

Nếu như những mục tiêu to lớn luôn làm ta cảm thấy xa vời và dễ nản chí thì tại sao không biến chúng thành những mục tiêu nhỏ và dễ thực hiện hơn? Thay vì nghĩ “Đến bao giờ mình mới trở thành một cây viết chuyên nghiệp, được nhiều độc giả yêu mến”, mình đã tập nghĩ rằng “Sẽ thật tuyệt nếu hôm nay mình viết xong một bài này”, hay cụ thể hơn là “Sáng nay, mình sẽ hoàn thành dàn ý của bài và chiều sẽ bắt tay vào viết bài” Cứ như vậy, mình có nhiều động lực và năng lượng hơn để thực hiện và hoàn thành công việc.Điều này không có nghĩa là bạn quên đi ước mơ và mục tiêu to lớn mà mình đã đề ra, nó đơn giản chỉ là các chặng đường nhỏ mà mình phải đi qua để về đích mà thôi. Quay lại với ý thứ hai trong nguyên tắc 1, việc đặt ra những mục tiêu nhỏ hơn cũng sẽ giúp chúng ta dễ dàng công nhận những nỗ lực của bản thân hơn khi đạt được mục tiêu nhỏ đó, từ đó có nhiều động lực hơn để bước tiếp.

2. Áp dụng “Quy luật 2 phút” khiến công việc trở nên chưa bao giờ dễ dàng đến thế để bắt đầu

Nội dung của quy luật này rất đơn giản: Khi bắt đầu một thói quen mới, bạn chỉ cần dành 2 phút để bắt đầu. Ví dụ, thay vì “Tôi sẽ tập thể dục mỗi ngày” sẽ là “Tôi sẽ tập thể dục 2 phút mỗi ngày”, thay vì ‘Tôi sẽ đọc sách mỗi ngày” thì bây giờ là “Tôi sẽ đọc 2 trang sách mỗi ngày”,…Bạn còn nhớ đồ thị Trì hoãn – Hành động mà mình có đề cập tới ở phần trước không? (Hình bên dưới)  Vấn đề là khi chúng ta bắt đầu một việc gì đó, nỗi đau và sự vất vả khi làm việc đó sẽ giảm dần, hay nói cách khác, duy trì việc gì đó bao giờ cũng dễ dàng hơn khi bắt đầu. Quy tắc 2 phút này sinh ra là để làm cho việc bắt đầu trở nên đơn giản hơn.

Nhiều người cho rằng quy tắc này như một sự “lừa gạt” chính bản thân rằng mình đã làm được điều gì đó nhưng thực chất 2 phút không đủ để thực sự làm gì ra hồn cả. Thế nhưng theo mình, 2 phút mỗi buổi sáng, 2 phút mỗi ngày thì khác, chúng ta đang tập luyện và duy trì một thói quen hành động, từ đó sẽ trở nên “không quen” với sự trì hoãn.

Trong tập phỏng vấn trên chương trình Have a sip (Vietcetera) giữa Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai và MC Thuỳ Minh, chị Phương Mai có chia sẻ về phương pháp “Small win” (Những chiến thắng nho nhỏ), mỗi con người có một ngưỡng chịu đựng khác nhau, việc bắt đầu mọi thứ bằng những điều nho nhỏ, dần dần, từng bước sẽ giúp bạn đi được quãng đường xa hơn. Chị có lấy một ví dụ về việc Tập thiền, khi bắt đầu thiền, đơn vị nhỏ nhất để bắt đầu bạn biết là gì không? Là một hơi thở đó.

Thêm vào đó, theo mình, bạn bắt đầu làm gì đó trong 2 phút không có nghĩa là bạn sẽ duy trì ngưỡng “2 phút” đó mãi mãi, dần dần nó sẽ là 5 phút, 10 phút, 30 phút lúc nào không hay, bạn chỉ cần luôn ý thức về điều đó, rằng mình luôn cần phải cố gắng hơn một chút mỗi ngày.

3. Lập kế hoạch công việc cho từng ngày

Có khi nào bạn tỉnh dậy và nhận ra mình không biết phải làm gì, không biết bắt đầu từ đâu, rồi sinh ra trì hoãn chưa? Nếu là mình thì câu trả lời là “Có”. Đó là những ngày mà mình không có To-do list (Danh sách công việc cần thực hiện) trong ngàyNhiều lúc não bộ mình sẽ điều khiển mình như một con robot vậy, chỉ cần được thiết lập công việc, con robot ấy sẽ hoạt động, còn nếu không, nó sẽ nghỉ. Vì thế việc có cho mình một Danh sách công việc mỗi ngày là điều cần thiết. Mỗi khi tỉnh dậy, mình biết sau khi uống nước, đánh răng, rửa mặt, chăm sóc da, ăn sáng thì mình sẽ làm A, B, C,…thay vì ngồi nghĩ xem mình sẽ làm gì rồi sinh ra trì hoãn.Hãy dành 30 phút mỗi ngày để lập kế hoạch công việc cho từng ngày nha, ý quên, 2 phút thôi!

Mình làm được, chúng ta đều làm được

Thực ra, khi viết tới đây, mình vẫn đang trì hoãn một vài việc. Nhưng mình sẽ không ghét hay quá ép buộc bản thân vì điều đó, vì mình biết mình đã bớt trì hoãn hơn ngày hôm qua một chút.

Cứ vậy thôi mọi người, làm gì cũng cần sự cố gắng và luyện tập, miễn là bạn luôn phải không ngừng cố gắng và luyện tập, cái đích dù có ở cách chúng ta 10 năm, 20 năm rồi cũng tới thôi. Đừng để 10 năm, 20 năm nữa khi nhìn lại, chúng ta lại tiếc nuối vì sao mình trì hoãn, mãi không bắt đầu. Mình năm nay 26 tuổi, chẳng phải đã qua cả 10 năm và 20 năm rồi sao, nhanh lắm! Đừng để sự trì hoãn ăn mòn thời gian của chúng ta bạn nhé!

Mình làm được, chúng ta đều làm được, cố lên!

Love,

Giangbrave


Các bài viết mình đã tham khảo:

(1) Understanding and Overcoming Procrastination

(2)Procrastination: A Scientific Guide on How to Stop Procrastinating

(3)Why People Procrastinate: The Psychology and Causes of Procrastination

Leave a Reply