Vì sao bạn trì hoãn? (Phần 1)

Nếu bạn đang trì hoãn, thì chắc chắn bạn không phải người duy nhất, vì mình cũng vậy, và rất nhiều người xung quanh mình cũng vậy. Mình nhận thấy căn bệnh này đang lấy đi quá nhiều thứ của mình, bao gồm thời gian, sức lực, niềm vui và nhiều thứ khác nữa. Bài viết này đánh dấu bước đi đầu tiên trên con đường đẩy lùi sự trì hoãn của mình. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trì hoãn là gì, nó mang lại tác động tiêu cực như thế nào, đi tìm cốt lõi vấn đề trì hoãn của bản thân và những phương pháp bạn có thể tham khảo để chữa bệnh trì hoãn cho chính mình nhé!

Cùng bắt đầu thôi!

Chúng ta có biết mình đang trì hoãn? Và nó thực tự tồi tệ tới mức nào?

Câu trả lời của bản thân mình cho câu hỏi này chắc chắn là “có”. Hơn cả biết, những suy nghĩ và nỗi lo lắng về sự trì hoãn đeo bám mình mỗi ngày. Tại sao mình không làm cái này sớm hơn, tại sao mọi người có thể đạt được thành công còn mình thì cứ ỳ ra một chỗ, bây giờ đã là tháng 7 rồi, nửa năm trôi qua rồi và mình có gì?

Mình chậm chạp trong việc ra quyết định, mình lo sợ và ko dám chịu trách nhiệm nên trì hoãn việc phải quyết định, nhưng sau cùng thì vẫn không khác được, mọi thứ đều cần được đẩy về phía trước chứ không phải ở yên một chỗ. Vậy là mất thêm thời gian và hao tổn sức lực cho một việc không thể tránh khỏi.

Mình hay suy nghĩ và lên kế hoạch rất nhiều, những lúc đó mình cảm thấy nội lực tràn trề, đến nỗi chỉ sau giấc ngủ đêm nay thôi, sáng mai dậy mình sẽ bắt đầu thay đổi cả thế giới. Và rồi sau giấc ngủ đêm hôm ấy, sáng mai dậy đâu lại vào đó, mình vẫn tiếp tục trì hoãn – điều mà lúc này có thể đã trở thành thói quen và vùng an toàn mà mình tự tạo ra cho chính mình.

Mình cảm thấy khá khó khăn trong việc giữ được sự tập trung tuyệt đối khi làm một việc nào đó – yếu tố quan trọng để làm việc và học tập đạt hiệu suất cao. Tin nhắn Messenger, Instagram, thông báo từ Shopee, Email,…cứ khoảng vài phút lại làm mình giât mình trong nỗ lực cố gắng tập trung làm một việc gì đó.

Mình cũng thừa nhận chính sự cầu toàn đã làm mình bỏ lỡ nhiều cơ hội, phủ nhận nhiều cố gắng của bản thân – nguyên nhân gián tiếp khiến mình mất động lực để phấn đấu hết mình vì một điều gì đó.

Có thể một hôm nay nghỉ ngơi cũng không sao, thêm một hôm nữa chắc vẫn ổn,…nhưng ngoảnh lại bạn sẽ thấy ngần ấy thời gian đã trôi qua và mình vẫn tiếp tục trì hoãn, điều đó thật không bình thường chút nào. Rất nhiều người ngoài kia, họ đang không ngừng cố gắng mỗi ngày, bạn nghĩ sao nếu mình là người bị tụt lại phía sau chỉ vì bản thân không dám làm hoặc không làm những điều bắt buộc phải làm và vốn dĩ cần được thực hiện ngay bây giờ?

Hiểu về vấn đề mà mình đang đối mặt dưới góc độ khoa học

Nếu bạn cảm thấy bối rối không biết nên làm gì và bắt đầu từ đâu để đẩy lùi sự trì hoãn của chính mình thì hãy tìm tới thứ khách quan nhất, theo mình đó chính là khoa học.

Để thấu hiểu vấn đề mà mình đang đối mặt trước khi tìm ra giải pháp cho bản thân, mình chọn nhìn vấn đề ấy dưới góc độ khoa học.

Vậy định nghĩa của “sự trì hoãn” là gì nhỉ?

Một cách đơn giản, trì hoãn là khi mà chúng ta cố tình không làm một việc gì đó hoặc đưa ra một quyết định nào đó trong khi những công việc/ quyết định đó có thể được thực hiện ngay.

Có một điều rất thú vị mà mình đọc được từ tài liệu giảng dạy về “Khắc phục việc trì hoãn” tại trường đại học Princeton (1) đó là: Những người trì hoãn hay nói rằng họ “lười biếng”, để đến phút cuối mới chạy deadline hoặc là “nước đến chân mới nhảy”. Nhưng thực chất thì những người làm việc sát deadline lại hoàn toàn không lười biếng vì thực tế là họ làm việc cật lực và “hết công suất” trong một khoảng thời gian ngắn.

Thêm vào đó, cũng trong tài liệu này, nhiều người (trong đó có bản thân mình) đã từng nghĩ rằng, họ làm việc hiệu quả hơn, năng suất hơn dưới áp lực deadline gần hơn. Những thực chất thì chưa hẳn vậy, bởi vì nhiều người trong số họ chưa từng thử làm việc một cách có hệ thống, có kế hoạch với tần suất đủ nhiều để có thể so sánh hiệu quả mà cách làm đó mang lại so với làm việc sát deadline, nên không thể khẳng định chính xác là họ có thể làm việc tốt hơn dưới áp lực cao. Mặt khác, câu hỏi đặt ra là có thực sự “tốt hơn” hoặc “hiệu quả hơn” không khi sau mỗi lần chạy deadline mệt nghỉ, thức đêm, ăn uống qua loa, chúng ta lại trở nên kiệt quệ về mặt thể chất và tinh thần, mệt mỏi hơn rất nhiều.

Tại sao chúng ta trì hoãn?

Có cả tỉ nguyên do để lí giải cho việc “tại sao chúng ta trì hoãn” và nhiều nguyên do trong số đó khá quen thuộc với hầu hết chúng ta, ví dụ như quá bận rộn, quá nhiều việc để làm, chưa đủ sẵn sàng, chưa tự tin,…

Theo một vài bài viết của các tác giả có chuyên môn có nghiên cứu về vấn đề này, việc trì hoãn được giải thích là do “khoảng cách” giữa hành động phải thực hiện ở thời điểm hiện tại và mục tiêu/ phần thưởng mà chúng ta sẽ nhận được ở thì tương lai. Khoảng cách này thường quá xa khiến con người ta bị nản hoặc là do bản lĩnh của chúng ta chưa đủ lớn, nếu kết quả không đến “sau một đêm” thì có thể dễ dàng từ bỏ.

James Clear (Blogger và tác giả cuốc sách nổi tiếng Atomic Habit – Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ) đưa ra hình tượng “bạn của tương lai” và “bạn của hiện tại” nhằm đơn giản hoá định nghĩa của sự trì hoãn (2). Ví dụ, bạn của tương lai muốn mình có một cơ thể đẹp, săn chắc, khoẻ mạnh nhưng bạn của hiện tại lại muốn nuông chiều bản thân bằng một chiếc bánh donut ngọt ngào và hấp dẫn. Mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng của việc ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn có thể một cơ thể khoẻ mạnh trong tương lai, nhưng “kết quả” ấy dường như ở quá xa thực tại (có thể là vài năm) khiến bạn nản chí.

Hay một ví dụ khác về chính bản thân mình. Mình của tương lai luôn muốn trở thành một người viết lách chuyên nghiệp, được nhiều bạn đọc yêu mến, thậm chí có thể kiếm tiền từ việc viết lách. Nhưng đó phải là tương lai tính bằng năm, thậm chí là nhiều năm, trong khi mình của hiện tại có quá nhiều cám dỗ và đấu tranh tư tưởng để nuông chiều bản bản thân bằng những thú vui khác, đơn giản như nằm xem youtube hoặc tiêu thụ nội dung ngắn, thay vì ngồi ôm chiếc laptop và viết.

Để cụ thể hoá lí do của việc trì hoãn thì Itamar Shatz (tác giả của website Solving Procrastination) đã liệt kê ra một loạt những gạch đầu dòng về nguyên nhân của sự trì hoãn mà mình cũng có thể tìm thấy bản thân trong đó (3). Ví dụ như: Sợ hãi và căng thẳng khi nghĩ về việc bị mọi người soi sét và đánh giá khi làm một việc gì đó, tâm lí cầu toàn – không bao giờ hoàn thành được công việc vì luôn chú ý đến những tiểu tiết rất nhỏ, thiếu động lực, thiếu sự quyết tâm (nghĩ rằng những hậu quả có thể xảy ra thì cũng nhiều người khác đã trải qua rồi nên nếu nó xảy ra với mình thì cũng là điều bình thường), v.v…

Tìm ra chìa khoá để khoá cánh cửa trì hoãn của bản thân

Có rất nhiều biểu hiện khác nhau của bệnh trì hoãn, nhưng để chữa bệnh trì hoãn cho chính mình thì trước tiên mình phải hiểu vấn đề của bản thân mình trước đã. Không phải tất cả mọi người đều chọn trì hoãn vì cùng một nỗi đau mà họ sẽ phải trải qua. Mình gọi nó là “nỗi đau” vì nó không dễ chịu, nó cần có sự dũng cảm để bước qua.

Trước tiên, hãy thẳng thắn nhìn nhận vấn đề một cách lí trí

Đúng vậy, đúng là có hơi tồi tệ thật khi bản thân mình là người trì hoãn hết lần này đến lần khác. Điều đó đã lấy đi biết bao khoảng thời gian quý báu, thậm chí cướp đi cả sự tự tin và niềm vui tận hưởng cuộc sống của mình. Nhưng thế thì sao, điều đó chẳng có gì đáng sợ cả, mình vẫn khoẻ mạnh và đủ minh mẫn để nhận thức ra vấn đề của bản thân, không bao giờ là quá muộn.

Để nói về sự dám bắt đầu, mình rất thích một đồ thị phân tích về sự trì hoãn mà James Clear đưa ra trong bài viết của ông, gọi là đường giới hạn Trì hoãn – Hành động được mô tả như hình bên dưới:

Thử lấy một ví dụ để có một góc nhìn gần gũi và dễ hiểu hơn nhé. Ví dụ, mình cần phải viết bài viết đầu tiên trên trang blog này nhưng mãi không thể bắt đầu, mình trì hoãn việc viết bài viết ấy mặc dù đã có sẵn vài ý tưởng hay ho trong đầu. Ngày qua ngày, mình vẫn không thể viết mặc dù lúc này mình bắt đầu cảm thấy bồn chồn, lo lắng, tự trách bản thân vì sự lười biếng của chính mình. Cho đến một ngày nọ, mình nhận ra đã 1 tháng kể từ khi mình lập Blog và không một bài viết nào được đăng tải, mình cuống cuồng bắt tay viết bài viết đầu tiên. Kết quả là mình có thể hoàn thành nó chỉ trong vỏn vẹn chưa tới 1 ngày. Nhưng thực tế là mình mất tới hơn 1 tháng để có được bài viết đầu tiên ấy – bài viết mình đã viết xong trong 1 ngày.

Đối chiếu với đồ thị trên, có thể thấy nỗi đau của việc phải chịu đựng sự trì hoãn ngày càng tăng cho đến một ngày nọ, khi nó đạt tới đỉnh điểm, mình chọn hành động để giải thoát bản thân khỏi nỗi đau ấy. Nỗi đau dần giảm xuống trong quá trình mình thực hiện hành động đó, lúc này nỗi đau ấy không còn là sự lo lắng hoặc trách móc về bản thân mình nữa, nó chuyển thành những vất vả mà mình phải trải qua để hoàn thành công việc – điều này có thể cũng sẽ khó chịu đó, nhưng nó vẫn dễ chịu hơn so với nỗi đau mà sự trì hoãn gây ra (điểm B nằm thấp hơn điểm A trên đồ thị).

Suy cho cùng, vấn đề không hoàn toàn là việc bạn làm như thế nào, mà là bạn có bắt đầu làm hay không?

Suy cho cùng, vấn đề không hoàn toàn là việc bạn làm như thế nào, mà là bạn có bắt đầu làm hay không?

Suy cho cùng, vấn đề không hoàn toàn là việc bạn làm như thế nào, mà là bạn có bắt đầu làm hay không?

Điều quan trọng nhắc lại 3 lần.

Tôn trọng và tin tưởng bản thân

Đối với mình, rào cản lớn nhất khiến mình biết là mình đang trì hoãn nhưng vẫn tiếp tục, đó là việc thiếu niềm tin vào bản thân (thiếu chứ không phải mất nhé). Việc thiếu niềm tin ở bản thân khiến mình trở nên lo lắng và sợ hãi nhiều thứ, không dám bắt đầu vì sợ thất bại, sợ bị đánh giá.

Giống như khi mình trì hoãn việc viết lách, mình sợ viết không hay, không sâu sắc, mình sợ viết ra bị người ta đánh giá, và nỗi sợ ấy đã kéo mình ở lại trong vòng an toàn của bản thân khá lâu.

Việc tôn trọng và tin tưởng vào bản thân mình rất quan trọng, đó là nhân tố chủ chốt để bạn “bắt đầu” làm điều gì đó và kiên trì theo đuổi nó tới cùng. Nó là nội lực từ bên trong, thứ luôn kéo bạn về phía trước cho dù môi trường xung quanh bạn có thay đổi như thế nào.

Khi đã tôn trọng và chấp nhận bản thân mình, bạn có thể thoải mái suy xét nguyên nhân cốt lõi dẫn tới việc trì hoãn của bản thân là gì, nhìn nhận dưới góc độ khách quan, tìm tòi, không đánh giá và phán xét chính mình.

Đừng nghĩ nhiều nữa, việc duy nhất mình cần làm là dừng trì hoãn

Sau khi có một cái nhìn sâu sắc về vấn đề của bản thân và củng cố niềm tin của chính mình thì đừng nghĩ nhiều nữa, việc duy nhất mình cần làm là dừng trì hoãn ngay bây giờ.

(Còn tiếp phần 2)


Các bài viết mình đã tham khảo:

(1) Understanding and Overcoming Procrastination

(2)Procrastination: A Scientific Guide on How to Stop Procrastinating

(3)Why People Procrastinate: The Psychology and Causes of Procrastination